Thứ Bảy, 30 tháng 1, 2021

Review Coraline

Đã 10 năm kể từ khi bộ phim hoạt hình này được ra mắt, hồi mình xem phim này là lớp 5 không nhớ là xem trên Star Movie hay HBO nữa.
Có lẽ ai đã từng chơi game Identity V thì cũng biết nhân vật trong game đều được đóng cúc mắt, ngay từ hồi đầu lên appstore và thấy nhân vật mình đã liên tưởng ngay tới bộ phim này. Và theo một bài báo mình đọc thì game có dựa vào ý tưởng của bộ phim.
Phim hoạt hình này thuộc dạng stop motion 2D, 3D và từng được đề cử Oscar là bộ phim hay nhất vào năm 2010. Các nhân vật đều làm từ silicon hoặc đất sét, chụp lại từng động tác rồi ghép lại, có lẽ là vì vậy mà trông nó hơi khác với những bộ phim hoạt hình bình thường mà mình vẫn xem. Và giờ nghĩ lại, để làm một bộ phim dài như thế thì quả là kì công và kiên nhẫn mới làm được. Hãy cùng gamehot24h review về Coraline bạn đọc nhé.

Câu chuyện bắt đầu về cô bé Coraline, một cái tên mà rất dễ nhầm lẫn, tới tận bây giờ khi mình đi search tên phim vẫn cứ nhầm là Caroline. Tại đó là cái tên phổ biến chứ còn Coraline thì mình thấy ít có ai tên như vậy, không chỉ mình mà nhiều người xung quanh cô bé cũng suốt ngày gọi nhầm tên tới mức cô bé phát bực.

Đối với Coraline, cô bé muốn ba mẹ quan tâm tới mình nhiều hơn chứ không phải mỗi công việc. Coraline buồn chán đi ra ngoài tìm cái giếng nước rồi gặp cậu bé kì quặc tên Wyborne mà cô bé chọc là Why are you born. Sau đó cậu bé còn tìm thấy một con búp bê giống Coraline nữa, không biết chi tiết này có bạn nào để ý không. Về tới nhà thì lại thấy cả bố lẫn mẹ mỗi người một cái máy tính chả ai đoái hoài gì tới cô. Bố cô gợi ý là khám phá ngôi nhà này nếu như cô bé không còn gì để làm, còn mẹ cô bé thì kêu là đi dọn đồ đạc.
Nếu bạn là một đứa trẻ như Coraline thì bạn sẽ làm gì? Là mình thì mình ứ dọn đồ đạc đâu, mình sẽ chạy loăng quăng khắp nhà nghịch, rồi tưởng tượng lung tung về lâu đài và thế giới ma thuật nào đấy.
Và Coraline làm theo lời bố gợi ý, đếm từng cái cửa sổ, nghịch công tắc điện,…
Thế rồi cô bé khám phá ra một cánh cửa bí mật, ban đầu cửa khóa và khi mở ra chỉ có một bức tường gạch khác. Cơ mà hồi bé mình không để ý vụ mẹ Coraline không bao giờ nấu ăn =)) . Bố mẹ đã chia phần luôn, bố nấu ăn mẹ thì dọn dẹp, nghĩ lại thấy cũng khá công bằng đấy chứ. Nhưng mà cô bé Coraline muốn thử đồ ăn mẹ nấu, có lẽ đứa trẻ nào cũng muốn vậy.
Và đêm hôm ấy, mọi chuyện mới thực sự bắt đầu khi Coraline thấy lối đi bí mật từ cánh cửa đã được thông suốt dù không rõ chuyện gì đã xảy ra. Ở tại đây cô gặp Other Mom, thế giới này giống y như nơi ở của cô chỉ khác là mọi người đều đóng cúc áo trên mắt. Thế giới này thực sự hoàn toàn hoàn hảo đối với cô bé. Mẹ thì có thể nấu bữa ăn thinh soạn, bố có thể chơi piano, và họ đều thực sự quan tâm tới cô bé. Other parents quả thực quá sức tưởng tượng với Coraline, có lẽ khi bạn là một đứa trẻ bạn cũng có lần từng ước sao mình có một mẹ khác, một người mẹ trong mơ có thể thỏa mãn tất cả điều bạn mong mỏi.
Mình nghĩ Neil Gaiman có thể nắm bắt được tâm lí của trẻ em như vậy vì ông ấy cũng từng là trẻ con, chỉ có điều những cuốn sách mà ông viết nó đều rất thực. Dù chất liệu viết, thế giới tạo ra là hư cấu nhưng mình vẫn có thể tìm ra cái thực đó, mình thấy mình ở trong đó và đồng cảm với nhân vật.
Ngoài ra, Coraline còn nhân vật nữa rất thú vị là bác diễn viên xiếc cùng những chú chuột nhảy. Không biết sao nhưng những bọn động vật ở đây dường như rất lạ, và có thể cảm thấy điều nguy hiểm như con mèo đầu phim và bọn chuột. Những chú chuột bảo rằng cô bé Coraline không nên đi qua cánh cửa ấy nữa.
Giọng của Dakota Fanning lồng Caroline và giọng của Teri Hatcher trong vai Other mom nghe rất mượt luôn và mình rất thích. Bạn nào theo dõi mình lâu đều biết mình hay quan tâm tới vấn đề lồng tiếng.
Về phần Other Mother không hiểu sao mình cảm thấy có khá nhiều thứ để nói về nhân vật này. Cảm giác đây là một nhân vật phản diện nhưng đồng thời cũng rất đáng thương, luôn phải chịu cô đơn một mình. Đồng thời cũng là một nhân vật thích những trò chơi, cho nên mới đồng ý với Coraline đấy chứ. Thử nghĩ mà xem, nếu bả không đồng ý mà ép buộc con bé thì cũng khó mà thoát ra được.
Nhưng mình nghĩ ý Neil muốn truyền tải thông qua nhân vật Other Mother này là bây giờ con người thường lừa lọc nhau qua lời nói bọc đường. Họ sẽ chỉ nói, chỉ cho bạn thấy những gì bạn muốn nghe, muốn thấy mà thôi. Còn sự thật trần trụi ở đằng sau họ sẽ giấu nhẹp đi. Ở những phút cuối Other Mother đã hiện nguyên hình, cùng với những thứ đẹp đẽ cũng trở về nguyên dạng của nó, cũng chính là nói lên điều này.
Thêm nữa, bộ phim cũng là bài học cho bậc phu huynh trong việc dạy dỗ con cái. Dù bận như thế nào đi chăng nữa, phải luôn dành thời gian cho con, đừng để nó cảm thấy cô đơn, chán chường và lạnh nhạt với bố mẹ vì thờ ơ mình. Sau dần sẽ tạo một khoảng cách lớn, con sẽ chỉ chui vào phòng riêng và cũng không đoái hoài gì tới bố mẹ.
Mình không đào sâu vào chi tiết hơn về nửa sau bộ phim, để những bạn chưa xem từ từ khám phá và đưa ra cảm nhận của riêng mình.
Sountrack của phim thì ma mị khỏi nói, màu sắc phim u tối, với những cảnh mưa liên miên rất phù hợp với theme Halloween.
Tựu chung thì bộ phim này tuy là cũng hơi cũ, nhưng cũng rất đáng để bạn bỏ thời gian để xem một lần. Xưa xem mà cứ nghĩ là nếu mình rơi vào Other World, nhìn thấy người đeo mắt cúc chắc mình chạy mất dép rồi chứ không còn dám ở lại để có những diễn biến khác đâu.
Bạn có thể ngừng ở đây nếu chưa xem phim, thực ra bộ này cốt cũng đơn giản nhưng mình nghĩ nếu bạn có thể tự khám phá ra sẽ hay hơn.
Trên đây là bài review về phim Coraline. Hãy cùng đón chờ các bài review tiếp theo tại gamehot24h.com bạn đọc nhé!


source https://gamehot24h.com/phim/review-coraline-785984.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét